I. PHONG THỦY LÀ GÌ ?
- Phong thủy là học thuyết chuyên nghiên cứu về sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí và mạch nước đến đời sống họa phúc và đời sống của con người.
- Phong tức là gió, tượng trưng cho những không khí chuyển động xung quanh ta. Còn Thủy là nước, tức là mạch nước, dòng nước, tượng trưng cho địa thế.
Phong thủy được chia làm 2 loại chính: Phong thủy Âm Trạch và Phong thủy Dương Trạch
- Dương trạch nghĩa là nhà, đất trên dương gian. Đây được coi là nơi sinh sống, cư ngụ của những người còn sống. Phong thủy Dương Trạch chú trọng các cách tổ chức và sắp xếp nhà hướng nhà, cấu trúc nhà, nội thất,…) sao cho người luôn khỏe mạnh và phát tài phát lộc.
- Âm trạch ngược lại với dương trạch, chính là phần mộ của người đã khuất. Phong thủy âm trạch chính là đi nghiên cứu những gì liên quan tới mộ như vị trí đặt mộ, vị trí bài trí quanh mộ,… Phong thủy cho rằng nếu người chết được chôn ở phần đất tốt thì sẽ đem lại phúc phần cho con cháu thế hệ sau.
Các trường phái Phong thủy thông dụng:
1. Hình Lý Khí hay con gọi là phái Loan Đầu
2. Bát Trạch Minh Cảnh
3. Huyền Không – Phi tinh
4. Dương Trạch Tam Yếu
5. Khai Môn Điểm Thần Sát
II. THẾ NÀO LÀ MỘT NGÔI NHÀ HỢP PHONG THỦY
1. Ngôi nhà có hướng hợp mệnh với gia chủ
+ Một ngôi nhà ở được coi là hợp phong thủy thì ngôi nhà đó phải hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi như:
• Địa hình đất đẹp.
• Phương vị tốt.
• Sự tác động của gió, nắng ở mức độ vừa phải và có sự lưu thông không khí tạo cảm giác thoáng đãng.
Ngôi nhà này sẽ mang đến cho gia chủ nhiều điều tốt lành, thuận lợi và sức khoẻ dồi dào.
+ Theo phong thủy nhà tọa hướng vượng, hợp với tuổi và cung mệnh gia chủ thì gia đạo bình an, vô sự, tài lộc dồi dào. Ngược lại, nếu chọn phải hướng xấu thì tiền tài, công việc, sức khỏe đều bị ảnh hưởng và không gặp nhiều thuận lợi.
Lưu ý: Để có thể chọn hướng nhà phong thủy theo tuổi, theo mệnh, bạn cần làm theo bước như trong bài “Phong thủy Bát Trạch“
2. Nhà ở thoáng khí
Ngoài hợp mệnh, nhà ở có phong thủy tốt cần phải chú trọng sự thoáng khí để vừa có không gian sống thuận tiện vừa đảm bảo lưu giữ tài lộc, may mắn.
3. Đủ ánh sáng tự nhiên
Một ngôi nhà có phong thuỷ tốt không thể thiếu ánh sáng tự nhiên. Bởi cùng với gió và sự thoáng khí, ánh sáng tự nhiên sẽ mang đến nhiều sức khỏe, tài lộc hơn cho cả gia đình. Khi thiết kế nhà ở và bố trí đồ đạc, gia chủ cần đảm bảo lượng ánh sáng tự nhiên đầy đủ, tả hữu cân phân, không có đồ nội thất nào che đi ánh sáng và nguồn khí tự nhiên. Đây mới là ngôi nhà có Dương Trạch tốt, tốt cho cả sức khỏe
Chú ý:
– Tránh ánh sáng quá mạnh chiếu vào ngôi nhà: Bởi ánh sáng mạnh chứa nhiều tia cực tím, trường điện từ có thể khiến gia chủ hay cảm thấy bực bội, nóng nảy và làm giảm hòa khí trong gia đình.
– Tránh ánh sáng quá yếu: Bởi nếu thiếu ánh sáng tự nhiên sẽ làm cho ngôi nhà tối tăm, ẩm thấp và gây ra tình trạng âm thịnh, dương suy. Con người sống trong đó hay cảm thấy lười biếng chán nản, tư tưởng chậm chạp.
III. PHONG THỦY NHÀ Ở
1. Vị trí đặt phòng khách
* Tốt nhất, bạn nên đặt phòng khách theo hướng tài vị để mang đến tài vận tốt cho gia chủ. Nếu muốn biết vị trí chiêu tài này, bạn chỉ cần lấy trung tâm là cửa chính, vẽ một góc 45 độ. Đây chính là vị trí chiêu tài. Gia chủ nên bố trí vật phẩm phong thủy ở vị trí chiêu tài như tượng thần tài, đá bản mệnh, cây phong thủy… để thúc đẩy vượng khí.
* Cây xanh trang trí phòng khách: Với phòng khách, bạn nên trang trí một số cây phong thủy như cây kim tiền, cây kim ngân, cây phát tài, cây ngũ gia bì… vừa giúp điều hòa không khí vừa tốt cho phong thủy. Đặc biệt, cây kim tiền rất được các gia chủ ưa chuộng vì có thể mang lại tài lộc tốt.
Đặc biệt khi thiết kế phòng khách bạn cần chú ý những điều sau:
- Nên bố trí một lối đi “lệch” từ cửa chính vào phòng khách để tránh sát khí xông thẳng vào nhà.
- Kiểm tra sàn phòng khách, đảm bảo sự bằng phẳng, không lồi lõm.
- Luôn giữ cho phòng khách gọn gàng, sạch sẽ, tránh u ám, ẩm thấp.
- Bạn có thể trang trí trần nhà để tạo thêm điểm nhấn sinh động cho không gian.
- Sử dụng các vật trang trí hình tròn cho phòng khách.
- Trang trí thêm những bức tranh màu sắc để phòng khách sinh động hơn.
2. Vị trí đặt phòng bếp
Theo phong thủy nhà ở thì phòng bếp là nơi cả gia đình quây quần, sum họp trong bữa ăn và cũng là nơi tích tụ nhiều tài lộc. Vì thế, phòng bếp cần được thiết kế hợp phong thủy:
* Hướng bếp hợp phong thuỷ: Bếp thuộc hành Thủy và Hỏa vì thế hướng Đông, Đông Nam thuộc Mộc là phù hợp nhất để chọn làm hướng bếp. Do Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Mộc ở giữa để cân bằng Hỏa và Thủy vốn khắc nhau nên Thủy, Mộc, Hỏa là ba hành tương trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, bạn không nên đặt bếp ở hướng Nam. Vì hướng Nam thuộc hành Hỏa. Nếu lửa lại thêm lửa thì dễ xảy ra hỏa hoạn, sản sinh ra năng lượng xấu, ảnh hưởng đến vận khí gia đình.
* Vị trí bếp hợp phong thuỷ: Khi thiết kế bếp bên cạnh hướng, bạn cũng cần quan tâm đến vị trí đặt bếp nấu. Bạn cần tránh những vị trí sau:
- Không nên đặt giữa phòng bếp, trước cửa sổ: Bởi vì bếp tượng trưng cho hơi ấm, sự gắn kết của gia đình. Đặt bếp ở các nơi này không có chỗ tựa, tạo cảm giác chênh vênh.
- Không nên đặt dưới xà ngang: Theo quan niệm dân gian, đặt bếp ở vị trí này sẽ đè nên người ông bà Táo nên sẽ đè nén tài vận, sự may mắn của cả gia đình.
* Không gian bếp cần thiết kế thoáng đãng, có nhiều ánh sáng tự nhiên. Bởi vì năng lượng dương từ mặt trời sẽ giúp cuốn đi những điều không tốt lành cho căn bếp. Tránh thiết kế bếp quây kín vì dễ tạo âm khí và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mọi người. Nếu căn bếp bị bí, bạn cần chủ động có thể lắp thêm máy hút mùi, quạt thông gió.
Đặc biệt bạn cũng cần chú ý khi thiết kế phòng bếp:
- Bếp không được đặt ở không gian giữa căn nhà: Vì giữa nhà là vị trí trung tâm của ngôi nhà, cần đảm bảo sự yên tĩnh, thông thoáng và không ám mùi thức ăn.
- Bếp không được đặt đối diện hay chung tường với tường nhà vệ sinh.
- Nếu vị trí nấu quay lưng ra cửa, bạn cần bố trí lại sao cho vừa có thể nấu ăn vừa nhìn thấy cửa.
- Đặt một chiếc gương cách điệu nơi bàn ăn: Bởi bàn ăn tượng trưng cho sự phong phú của thực phẩm. Đặt gương ở vị trí này sẽ hợp phong thủy và tạo cảm giác không gian rộng hơn.
3. Vị trí đặt phòng ngủ
Phòng ngủ là không gian nghỉ ngơi riêng tư, vì thế phòng ngủ cần phải hợp phong thủy, thoải mái và tiện nghi.
Giường ngủ đặt đúng vị trí và hướng sẽ giúp gia chủ ngủ ngon, sâu giấc hơn. Vì thế, bạn nên kê giường dựa vào hai bức tường đối diện cửa hoặc lệch với cửa. Vị trí này không chỉ tốt cho giấc ngủ mà còn giúp gia chủ có thêm tài lộc, vận khí tốt. Tốt nhất, bạn nên kê giường theo hướng Đại Cát. Nếu vợ và chồng không có cùng hướng tốt, bạn nên kê giường theo hướng của vợ.
Đồng thời khi kê giường bạn cũng cần tránh những vị trí dưới đây:
- Tránh kê giường dưới thanh xà ngang, dưới chân cầu thang.
- Không kê giường đối diện góc nhọn.
- Tránh đặt giường ở nơi không có điểm tựa chắc chắn.
- Tránh để giường ở nơi có nhiều đồ đạc lộn xộn, gần cửa sổ.
Khi bố trí gương trong phòng ngủ, bạn không được đặt đối diện với giường ngủ. Bởi vì gương đối diện giường ngủ sẽ ảnh hưởng đến vận khí, sức khỏe người ngủ, dễ làm suy nhược thần kinh.
Lưu ý khi bố trí nội thất phòng ngủ
- Hạn chế dùng các thiết bị điện tử: Vì từ trường từ các thiết bị này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
- Tránh lắp máy lạnh nơi đầu giường: Bởi vì máy lạnh sẽ thổi trực tiếp lên cơ thể. dễ gây cảm lạnh, đau đầu, cứng cơ.
- Không dùng đồ nội thất làm từ kim loại (tủ sắt, thép…): Vì những đồ này sẽ tạo cảm giác lạnh lẽo, khó ngủ.
- Không nên bố trí phòng ngủ cạnh bếp: Vì bếp là nơi thường xuyên nấu ăn, sản sinh ra nhiều khí độc có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe của con người.
- Không nên dùng màu sơn phòng ngủ quá nóng hay quá tối
4. Vị trí đặt bàn thờ
Trong phong thủy nhà ở bàn thờ là nơi linh thiêng và trang trọng nhất của ngôi nhà. Đây cũng là nơi bày tỏ lòng biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên. Do đó bàn thờ cần được bố trí hợp phong thủy để mang đến tài lộc, may mắn cho gia đình.
Bàn thờ cũng cần hợp hướng với mệnh gia chủ. Bạn nên chọn 1 trong 4 hướng là Sinh Khí, Thiên Y, Diên Niên, Phục Vị để bố trí bàn thờ giúp mang đến sức khỏe, tài lộc, may mắn.
Lưu ý khi đặt bàn thờ:
- Bàn thờ cần được đặt ở vị trí trang trọng, cao ráo, thoáng đãng, sạch sẽ, dựa vào tường để mang lại cảm giác vững chắc.
- Không đặt bàn thờ đối diện trực tiếp với cửa: Nếu đối diện với cửa, bạn có thể dùng màn che hoặc bình phong.
- Tránh để bàn thờ ở trên/dưới nhà vệ sinh, phòng trẻ em: Bởi đây là những nơi ồn ào, có thể làm mất đi sự linh thiêng và tôn nghiêm của khu vực tâm linh.
5. Vị trí đặt phòng vệ sinh
Phòng vệ sinh là nơi tắm rửa, sinh hoạt thường ngày của gia chủ nên chứa nhiều uế khí. Vì thế khi thiết kế nhà vệ sinh bạn càng nên chú ý đến phong thủy để không ảnh hưởng đến không gian chức năng khác.
Cụ thể bạn nên đặt như sau:
- Bạn nên đặt nhà vệ sinh “tọa hung hướng cát”.
- Không xây phòng vệ sinh ở trung tâm ngôi nhà. Tránh các khí ẩm hôi trong nhà vệ sinh phát tán khắp căn nhà gây ảnh hưởng tới sức khỏe các thành viên trong gia đình.
- Tránh để cửa nhà vệ sinh thẳng hàng với cửa chính, cửa phòng ngủ cửa bếp: Bởi vì uế khí từ phòng vê sinh có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống cả gia chủ tại các không gian này.
IV. TÍNH SÁT PHONG THUỶ
Phong thuỷ là một loại khí trường của giới tự nhiên mà năng lượng có ích cho cơ thể người được gọi là Khí, năng lượng có hại cho cơ thể người gọi là Sát. Sát trong phong thuỷ có thể chia thành: Hình sát, Khí sát, Thanh sát, Quang sát, Phong sát, nhưng Hình sát chiếm phần lớn.
1. Hình sát
Hình sát là sát khí hữu hình của vật thể, nhìn thấy được, sờ thấy được. Do vị trí không giống nhau vì thế cát hung cũng khác nhau.
Hình sát là một nội dung trong phong thuỷ của phái Hình Thế.
Ví dụ: – Lộ xung, là xung môn nghĩa là đường xông thẳng vào cửa, đường càng rộng càng dài thì hung khí càng lớn.
– Thuỷ xạ là hướng chảy của dòng nước, nước lớn, nước chảy gấp, nước chảy thẳng đều là hung. Nếu nước chảy từ nơi xa đến, bỗng nhiên dừng lại, chảy vào bể nước hoặc đầm hồ, như vậy là thế nước có thu, nghĩa là cát.
– Trong phong thuỷ cũng có lúc gọi con đường là “nước”, tuy có con đường thẳng xông đến, bỗng nhiên ngoặt vào một bãi đỗ xe, cũng được gọi là “thế nước có thu”, nghĩa là cát.
– Nếu có một kiến trúc cao lớn áp sát dương trạch, tức là bị “cao áp”, ép đến nỗi người không thể thở ra hơi, sống lâu như vậy sẽ gây trở ngại về tâm lý.
– Hay có máy biến áp, đền miếu, đầm hồ, bãi tha ma, ống khói, nhà vệ sinh, đống rác thải, đường sắt, cầu…, ở những vị trí không giống nhau đều có thể hình thành nên “Sát”,
2. Khí sát
Hình sát là vật thể thực tại nhìn thấy được, sờ thấy được, cũng có một loại sát nhìn không thấy, sờ không được nhưng ở bất kỳ thời khắc nào đều sinh ra ảnh hưởng đối với con người, đó chính là Khí sát. Loại khí này không phải là không khí, mà là một loại trường năng lượng, giống như từ trường mà khoa học hiện đại vẫn thường nói.
Trong phạm trù phong thuỷ học có rất nhiều loại sát khí. Khí sát là sáng chế độc quyền của phái lý khí, trong đó tuế tinh của mỗi năm là hung nhất, tỉ lệ ứng nghiệm cao nhất, khả năng sát thương lớn nhất trong các loại sao. Đặc biệt là hung tinh trong tuế tinh bay đến cửa lớn, giường ngủ, phòng bếp, trong nhà, thậm chí là thần vị, như vậy những người trong nhà dễ bị những lời thị phi của miệng lưỡi người đời, sức khoẻ cũng bị ảnh hưởng, xem xét tính chất của hung tinh này mà quyết định ứng số ở phương diện nào.
1. Ngũ Hoàng: gây trở ngại (sát hướng nào cũng là hung, trở ngại mọi thứ)
2. Nhị Hắc: tác dụng chủ yếu là sinh ra bệnh tật, làm cho con người mệt mỏi
3. Tam Bích: gia trạch không yên ổn, sức khoẻ sút kém.
4. Thất Xích: tập trung vào hiệu ứng phá sản, thất nghiệp
3.Thanh sát
Các loại âm thanh không đồng đều nhịp nhàng đều có thể cấu thành nên thanh sát. Khoa học hiện đại gọi là ô nhiễm tiếng ồn.
4. Quang sát
Trong những lúc nào đó, ánh sáng cũng là một loại sát khí. Khoa học gọi Quang sát là ô nhiễm ánh sáng. Bị hại sâu sắc nhất chính là con người sống trong đô thị hiện đại. Ô nhiễm ánh sáng ban ngày là chỉ khi ánh nắng mặt trời chiếu xuống quá gay gắt, tường kính, tường gạch hoa, đá phiến nhẵn bóng và các loại sơn nhẵn của các vật kiến trúc trong thành thị phản xạ lại tia sáng, ánh sáng loá chói chang làm chóng mặt hoa mắt. Ánh sáng ban ngày nhân tạo là chỉ sau khi màn đêm buông xuống, ở các trung tâm thương mại, đèn quảng cáo của các quán bar hay đèn nhấp nháy loá mắt làm cho mắt người bị hoa, có những ánh sáng mạnh thậm chí xuyên tận lên trời cao làm cho ban đêm sáng như ban ngày, đó chính là cái gọi là ánh sáng ban ngày nhân tạo.
5. Phong sát
Vật kiến trúc bị gió lớn thổi là sát. Ví dụ, vật kiến trúc quá cao, xung quanh không có vật kiến trúc cao lớn tương tự bao bọc, nó sẽ trở thành “đỉnh cô đơn”, không thể tàng phong tụ khí, về phong thuỷ bị coi là không lành. Tất cả hệ thống gió bất lợi cho con người gọi là Phong sát.
III. CHẾ SÁT KHÔNG BẰNG HOÁ SÁT
Các đồ vật chế sát như gương hoá sát, tì hưu, tiền Ngũ Đế…
Phép hoá sát giải tai chính là ứng dụng chế hoá sinh khắc Ngũ Hành, một bức tranh sơn thuỷ, một bồn hoa, một chiếc đồng hồ, một bể cá vàng ….đều có thể là công cụ hoá sát giải tai, ngoài việc có thể trang trí làm đẹp ngôi nhà ra, chúng còn có thể phát huy tác dụng điều tiết môi trường, tăng cường khí trường cho ngôi nhà..
Xin chân thành cảm ơn các bạn đã nhiệt thành ủng hộ và đóng góp những kiến thức quý báu để đem lại những điều bổ ích tới tất cả mọi người.
- Nếu thấy bài viết còn thiếu sót thì các bạn hãy bình luận phía dưới để mình biết và chỉnh sửa lại cho đầy đủ hơn nhé.
- Còn nếu thấy hay thì các bạn hãy Like và Share để mọi người cùng biết
- Copyright by: http://tuvithuchanh.com
- Nếu có gì cần tư vấn các bạn hãy liên hệ với chúng tôi qua Mobi & Zalo: 0326.215.886